ĐẶC SẢN KHÔ CÁ LÓC MIỀN TÂY

Cung cấp đặc sản Khô cá lóc Miền Tây

Monthly Archives: Tháng Tư 2012

Cá rô: Thực phẩm vàng trị đau lưng

Cá rô: Thực phẩm vàng trị đau lưng Cá rô nổi tiếng thơm ngon bổ dưỡng, có thể trị chứng đau lưng hiệu quả.

Ở nước ta có rất nhiều loại cá đồng (cá nước ngọt) khác nhau, cũng có nhiều loại cá ăn ngon, song hầu như không để lại những ấn tượng sâu đậm như cá rô mà người dân quen gọi là “cá rô đồng”. Cũng không phải ngẫu nhiên mà cá rô lại được nhân dân ta, từ xưa đã có nhiều ngôn từ để ghi nhận, như “ngon như gan gà, trứng cá rô”, “cá rô kho tộ”, “cá rô đầm Sét” nổi tiếng là ngon thơm.

Cá rô thường (Anabas) là loài cá rất phổ biến ở nước ta. Chúng sống nhiều ở ao, hồ, ruộng nước… Thân cá hơi dẹt, đầu múp, nắp mang khỏe và có răng cưa, vây lưng có nhiều gai cứng. Chiều dài thân chỉ  khoảng 15 – 20cm, nặng chừng 20 – 80g. Cá lớn chậm nhưng rất khỏe, có thể sống được trên cạn khá lâu nhờ vào bộ phận hô hấp phụ gọi là hoa khế; đó là những nếp màng nhầy với nhiều mạch máu nhỏ li ti.

Cá rô: Thực phẩm vàng trị đau lưng, Sức khỏe đời sống, Dau lung, thuc pham, ca ro, canh ca ro, ca ro kho to, suc khoe, bao.

Cá rô canh cải. (Ảnh minh họa)

Vào mùa khô hanh, cá lẩn sâu trong lớp bùn lầy. Một khi có hạn hán kéo dài, cá rô có thể tự di chuyển ngay trên mặt đất hoặc leo cả lên các bờ ghềnh, bờ dốc của đầm, suối… thậm chí cả lên cây để đi tìm nguồn nước mới. Chính vì lẽ đó, cá rô còn được gọi dưới một cái tên nữa là cá rô leo (Climbing fish). Thịt cá rô hoặc hai buồng trứng màu vàng ươm của nó rất thơm ngon, bùi và béo ngậy. Là loại thực phẩm rất ngon và bổ. Ai đã từng ăn món cá rô kho tộ, cá rô chiên, cá rô canh cải, thì khó mà quên được!

Dưới đây xin giới thiệu món ăn bài thuốc từ cá rô.

* Trị đau mỏi lưng do thận yếu: Dùng món cháo cá rô. Lấy vài con cá rô đồng làm sạch đem nấu với một ít tủy heo và vài nắm gạo tẻ, nêm nếm gia vị vừa dùng, ăn ngày 1 lần cần ăn liền trong 7 – 10 ngày.

* Món cá rô kho tộ:
Cá rô loại vừa 300g, tiêu, muối, đường, bột ngọt, tỏi, dầu ăn, nước mắm vừa đủ.

Làm sạch cá rô để ráo, ướp: 1 muỗng cà phê tiêu, 2 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng xúp tỏi băm, 2 muỗng xúp nước mắm. Để cá thấm 30 phút. Tỏi băm nhuyễn. Nồi đất để nóng cho 2 muỗng xúp dầu, 2 muỗng xúp đường quậy tan, để lửa trung bình. Đường ngả màu vàng cho cá vào đảo nhanh tay, trở đều. Chế nước lạnh ngập mặt, để lửa riu riu. Khoảng 15 phút cá chín, có màu vàng, nêm lại vừa ăn. Nước cá sâm sấp, rắc tiêu lên mặt cho thơm. Món này cần ăn nóng với cơm.

* Món canh cải cá rô: Cải xanh 2 mớ, cá rô 200g, 1 nhánh con gừng, bằm nhỏ, 1 muỗng cà phê nước mắm, hạt nêm, dầu ăn. Rau cải ngắt bỏ gốc, rửa sạch, xắt ngắn khoảng 1 cm. Cá rô đánh vảy, khía bụng, bỏ ruột, rửa sạch, nướng qua trên than hoa.

Đun sôi nước, thả cá, gừng vào luộc chín, gỡ lấy thịt, xương cá cho vào máy xay sinh tố, xay nhỏ, lọc lấy nước. Ướp thịt cá với nước mắm, gừng khoảng 5 phút. Đun sôi nước cá, cho rau cải, thịt cá, khi canh sôi hớt bỏ bọt nêm hạt nêm vừa miệng. Món canh này nên ăn nóng để khỏi bị tanh, trị chứng đau lưng

Quản lý chất cấm không phải riêng Tổng cục Thủy sản

Tổng cục Thủy sản cho biết trong trường hợp cần thiết sẽ phối hợp với cơ quan công an để điều tra những trường hợp vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, sau vụ cá diêu hồng ở chợ đầu mối thủy sản Bình Điền bị phát hiện nhiễm chất Trifluralin. Quản lý chất cấm cũng là nhiệm vụ của các ngành, chứ không phải của riêng Tổng cục Thủy sản.

TBKTSG Online đã phỏng vấn ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản bên lề hội nghị sơ kết tình hình xuất khẩu cá tra quí 1/2012 diễn ra tại TPHCM sáng 17/4.

Thưa ông, tại sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) đưa Trifluralin vào trong danh mục chất cấm sử dụng từ năm 2010 nhưng đến giờ lại phát hiện trong cá diêu hồng bán tại chợ đầu mối?

– Ông Nguyễn Huy Điền: Bộ đã ban hành lệnh cấm, nhưng vì lợi nhuận tức thời nên một số hộ nuôi vẫn cố tình sử dụng. Chúng tôi vẫn thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra các đại lý và cửa hàng tại các tỉnh. Thế nhưng khi đi kiểm tra các đại lý thì không bao giờ thấy. Điều này chứng tỏ chất cấm chỉ đi đường lậu, phi chính thức. Có trường hợp nhân viên tiếp thị sản phẩm đeo các túi thuốc đến tận từng nhà, từng hộ nuôi, khi lập đoàn tổ chức vây bắt thì họ cũng nhanh chóng bỏ đi, rất khó bắt tại chỗ.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ NN&PTNT sẽ liên kết với Bộ Công an cùng vào cuộc và xử lý như đối với chất tạo nạc trong chăn nuôi thời gian vừa qua. Theo tôi khi đã phát hiện thì phải xử phạt nặng để tránh tình trạng tái phạm trong tương lai.

Hơn nữa, thực tế việc quản lý các chất cấm, trong đó có Trifluralin cần phải có sự phối hợp của các cán bộ quản lý các ngành chứ không chỉ riêng ngành thủy sản.

Bộ đã biết về thực trạng nhiễm chất cấm trong cá nuôi trồng tiêu thụ nội địa?

-Trước đây chúng tôi chưa phát hiện được trường hợp nhiễm chất cấm. Nhưng để ngăn ngừa và đảm bảo chất lượng thủy hải sản vào thị trường lớn như TPHCM, vừa qua chúng tôi phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TPHCM tổ chức hội nghị về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại hội nghị, đại diện chi cục TPHCM và các tỉnh đưa thủy hải sản vào TPHCM cũng ký cam kết hợp tác tăng cường giám sát quản lý. Chúng tôi đang yêu cầu TPHCM và các địa phương truy xuất nguồn gốc lô sản phẩm nhiễm Trifluralin để xử lý.

Hình thức xử lý đối với lô hàng bị nhiễm Trifluralin như thế nào thưa ông?

– Nếu cá bị nhiễm quá mức cho phép thì phải tiêu hủy. Ở nhiều thị trường có nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam hiện đang áp dụng các liều lượng cho phép khác nhau. Việt Nam cũng có tiêu chuẩn riêng, nhưng tóm lại nếu cao hơn mức cho phép sẽ tổ chức tiêu hủy.

Bên lề hội nghị, bà Phạm Thị Thu Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, cho biết cá diêu hồng là loại cá nuôi bè. Do vậy việc phát hiện tồn dư chất cấm Trifluralin có thể do nhiễm thụ động từ môi trường xung quanh, đặc biệt là từ hoạt động xúc xả các ao nuôi tôm, vốn thường xuyên sử dụng chất này trong quá trình cải tạo ao nuôi.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Những Món Ăn Từ Cá Lóc Miền Tây

1.Cá lóc nướng trui

Cá lóc nướng trui

Cá lóc nướng trui

Vùng đất Nam Bộ ruộng lúa mênh mông, sông ngòi chằng chịt là nơi sinh sôi của bao nhiêu loài tôm cá, thủy sản: “Ruộng đồng mặc sức chim bay – Biển hồ lênh láng mặc bầy cá đua”. Chính vì vậy cái thú tát đìa bắt cá về chế biến món ăn đã trở thành một kiểu thưởng thức ẩm thực độc đáo ở miền Tây Nam Bộ. Trong đó, Đồng Tháp, An Giang, Cá Mau… là xứ mà cá lóc nhiều và ngon đặc biệt.

Mỗi lần tát đìa, đến lúc nước cạn là giai đoạn gay cấn nhất, đám trê, rô cố chúi sâu vào lớp bùn đáy để trốn, còn cá lóc thì cố vượt lên để lách qua bờ thoát thân, nhưng đìa đã cạn, cứ lên tới nửa thành đìa thì rớt xuống. Người dưới đìa cứ thấy con lóc nào phóng lên là lập tức chộp con đó. Tại bàn tiệc dã chiến, những tàu lá chuối xanh mượt đã được xếp dài ở giữa. Bên trên xấp lá chuối là những xấp bánh tráng dẻo trắng phau, đọt xoài, lá lụa, quế vị, húng lủi v.v. tươi roi rói, xen lẫn là những lát chuối chát, khế chua, đôi khi còn có thêm những trái điều chín vàng ươm v.v.. Cạnh đó là tô mắm me cay hoặc muối ớt để chuẩn bị cho một món ăn dân dã nhưng cực kỳ ngon và được người dân Nam Bộ rất mê, món Cá lóc nướng trui.

Cá lóc rửa sạch, lựa con chừng 1 kg là vừa, thịt cá vừa ngọt, thơm, lại dễ nướng. Xiên một thanh trúc hoặc thanh tre tươi vót sẵn từ miệng cá cho đến đuôi. Nhiều khi nguời ta còn dùng dao chặt bỏ phần đuôi cá vì như vậy thì khi nướng chín phần bụng và xương cá sẽ không bị ứ máu, thịt cá sẽ không tanh khi để nguội. Sau đó cắm những thanh tre đã xiên cá xuống đất và phủ rơm khô lên, người nướng cá “có nghề” phải lượng sao cho rơm vừa đủ để khi rơm vửa tàn thì cá cũng vừa chín. Rơm dư thì cá khét hoặc chín quá, mất ngọt; rơm thiếu thì cá lại nhão, tanh v.v.

Nhìn đụm rơm cháy đỏ, tiếng mỡ nổ lốp bốp, thật sướng tai, sướng mũi vì cá lóc nướng trui có mùi thơm rất đặc trưng, không giống với loại cá nào khác. Mùi thơm toả ra từ lớp vẩy, thớ thịt và có cả mùi hơi khét của da. Cá chín đặt nguyên con lên tàu lá chuối, cạo bớt lớp vảy cá bị cháy, xẻ lằn dài theo bụng cá, mở ra làm đôi là ăn được. Lấy miếng cá còn bốc khói cuốn với bánh tráng, rau sống, chấm vào nước mắm hoặc mắm nêm, bạn sẽ thấy thật sướng miệng khi mùi thơm, vị ngọt béo của cá hoà lẫn với các hương vị của khế chua, chuối chát, ăn hoài không ngấy. Hãy nhai thật chậm rãi để nghe bao nhiêu hương vị của rau cỏ, đồng ruộng như ngấm vào tận ruột gan, ăn một lần nhớ mãi.

2.Cá lóc đắp bùn
Thay vì nướng trui, dân gian còn có món Cá lóc đắp bùn, cá rửa sạch, để nguyên con, dùng bùn dẻo đắp kín, sau đó chất lên rơm rạ đốt. Khi đất khô nứt ra là cá chín, có mùi thơm ngọt, phảng phất chút ít bùn, thường dùng chấm với muối tiêu rất ngon.

3.Cá lóc hấp bông so đũa

Cá lóc hấp bông so đũa

Cá lóc hấp bông so đũa

Nói đến các món đặc sản từ cá lóc ở Đồng Tháp còn phải kể đến món Cá lóc hấp bông so đũa, món ăn có thể chinh phục những thực khách khó tính nhất. Cá lóc làm sạch, ướp với bột ngọt, tiêu, củ hành và ít muối, để trong 10 phút. Hái khoảng 14 – 18 bông so đũa (non vừa búp nở) ở đọt, rửa sạch, lần lượt sắp phân nửa vào đĩa lớn, đặt cá lên, rồi sắp phân nửa phần bông còn lại phía trên, để trong nồi hấp cách thủy, đậy nắp đun sôi trong 30 phút là cá chín. Nước chấm là nước mắm dầm ớt. Mang dĩa cá nóng ra, lấy bông so đũa phía trên đi, để lộ một phần thân cá khói lên nghi ngút thật hấp dẫn. Món này đặc biệt ở chỗ bông so đũa đã thấm hết mùi vị thơm ngọt của cá tiết ra khi hấp, nên nếu nhai chầm chậm bông so đũa bạn sẽ cảm nhận được vị ngon rất lạ. Dùng hết bông so đũa rồi đến cá, hương vị cá hấp do được nhuỵ bông so đũa bao bọc kín nên rất dịu ngọt và thơm ngon. Ai đã một lần thưởng thức món ăn này do chính người nội trợ Đồng Tháp chế biến hẳn sẽ không thể nào quên.

Cá lóc nướng lá sen

Cá lóc nướng lá sen

4.Cá lóc nướng lá sen
Một món ăn khác, độc đáo không kém cá lóc hấp bông so đũa là cá lóc nướng lá sen, cái tên mà chỉ nghe thôi cũng cảm thấy xao xuyến chất bưng biền Nam Bộ, nơi có những cánh đồng sen bát ngát, cá lóc táp mồi có lúc phóng nằm trên những lá sen. Thế là nguời dân miệt vườn sáng chế ra món cá lóc nướng lá sen đơn giản, không đòi hỏi nhiều công phu nhưng lại đậm đà hương vị miền sông nước. Khác với những món cá lóc nướng khác, cá lóc nướng lá sen đặc biệt ở chỗ nước chấm. Mắm nêm nguyên chất có vị mặn và chát, phải pha thêm đường, bột ngọt, chanh, bằm nhuyễn thơm rồi dùng khăn vắt nước cốt dừa hòa chung cho sền sệt là được.

Về khâu nướng cá, phải chọn con cá còn tươi sống, rửa sạch cho vào thau rồi rải đều lớp muối lên trên, đậy kín lại. Trong thau con cá lóc càng vùng vẫy bao nhiêu thì càng sạch chất nhờn chừng ấy. Bắt cá xiên từ miệng đến đuôi bằng một que tre vót nhọn rồi dùng lá sen gói kín lại hai, ba lớp. Lá sen phải là lá sen già, còn tươi có màu xanh thẫm, cứ thế cho con cá lên bếp than cháy đỏ mà nướng, vừa nướng vừa xoay trở mình cá. Lá sen cháy cho mùi thơm thanh thoát, nồng đượm. Khi lá cháy hết cũng là lúc cá chín đều, cá chín nhờ sức nóng của lá sen còn tươi. Cách nướng này không làm da cá bị khét như cách nướng trui, trái lại còn làm da cá vàng ươm, sống lưng cá nứt ra, dùng tay hoặc đũa tách làm đôi, rút bỏ xương, rưới mỡ hành cùng đậu phộng, cuốn với bánh tráng mỏng, các loại rau ghém, bún chấm nước mắm nêm tạo cho người ăn niềm thích thú riêng. Da cá vừa béo vừa giòn thoang thoảng hương sen, thịt cá rất ngọt hòa trong vị nước chấm đặc trưng… không gì hấp dẫn bằng.

Ngoài ra, nhắc đến món ăn từ cá lóc, chắc chắn không thể bỏ qua những món ăn hằng ngày rất quen thuộc với người dân Nam Bộ như khô cá lóc, canh chua cá lóc, cá lóc kho v.v.

5.Khô cá lóc

Khô cá lóc

Khô cá lóc

Cá lóc bắt về mổ bụng, xẻ thịt, lấy ruột gan ra, đem ướp muối phơi. Nếu trời nắng gắt, phơi khoảng vài nắng là được. Khi cá đã khô, người ta thường treo lủng lẳng ở nhà bếp, dùng để ăn lâu dài, khi ăn ta có thể nướng hoặc chiên giòn lên. Khô cá lóc thường dùng ăn với cơm, cháo trắng hoặc làm mồi nhậu. Khi ăn cơm, người ta thường chấm với nước mắm me có dầm ớt, nhưng ngon nhất vẫn là chấm với nước mắm xoài. Nhâm nhi vài ly rượu đế, vị chua của xoài, vị mằn mặn của khô cá hoà quyện với nhau, ta chợt nhận thấy món ăn tuy đơn giản nhưng ngon vô cùng.

6.Cá lóc kho

Cá làm sạch, cắt ra từng khứa, cho vào mẻ kho. Kho cá lóc cũng như kho các loại cá khác, có thể kho khô hoặc kho nước. Nếu kho khô thì cho tiêu thật nhiều, còn kho nước thì có thể để vào vài trái ớt sừng trâu. Ăn kèm với các loại rau, dưa leo, chuối chát, nếu bằm xoài sống cho vào nước kho thì ăn cảng ngon.

7.Canh chua cá lóc

Đây là một trong những món ăn đặc trưng mà người Nam Bộ từ thành thị đến nông thôn đều ưa thích. Cá lóc làm sạch, cắt ra từng khứa to nấu với me, giá, bạc hà, ngò gai, cà chua v.v. phi thêm chút tỏi cho thơm. Ăn canh chua cá lóc muốn ngon thì nước chấm phải là nước chấm trong (chưa pha chế), dầm ớt vào cho cay. Tô canh chua cá lóc nóng nghi ngút, hấp dẫn với màu trắng của thịt cá, màu vàng của thơm, màu đỏ của cà, màu xanh của ngò gai v.v. cùng lớp tỏi phi vàng nổi trên mặt khiến ta chỉ nhìn thôi cũng muốn ăn ngay…

Chỉ với con cá lóc người dân Đồng Tháp còn có thể chế biến ra hơn một chục món ăn ngon khác, món nào cũng độc đáo, hấp dẫn, đậm đà hương vị miền Nam. Chắc chắn rằng, cá lóc nướng trui, canh chua cá lóc, cá lóc nướng lá sen v.v. vẫn luôn là những món ăn thấm đẫm hồn quê mà nguời dân đất phương Nam vẫn luôn lưu giữa trong tâm khảm mình, dù có đi bất cứ nơi đâu.

Nguồn: Fleohau

Chất Liệu Các Món Ăn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

miền tâyĐồng bằng sông Cửu Long cách đây khoảng 300 năm là một vùng đầm lầy, nê địa, rừng hoang cỏ rậm, thú dữ tràn đầy. Điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nhưng là một kho đặc sản về rừng, về sông nước, ban tặng cho con người như: mật ong, cá, tôm, cua, rùa, rắn, các loại hoa màu và cây ăn trái…

Ruộng đồng mặc sức chim bay
Biển hồ lai láng mặc bầy cá đua.

Từ các loại rau, củ, quả, tôm, cua, rùa, rắn… đến các loài chim muông… thứ nào cũng phong phú và đa dạng. Lê Quý Đôn từng miêu tả trong Phủ biên tạp lục vào cuối thế kỷ XVIII rằng nơi đây “giá thóc rẻ không nơi đâu bằng, gạo nếp gạo tẻ đều trắng, dẻo. Tôm cá rất to và ngon, nhiều không ăn hết”1 . Đến đầu thế kỷ XIX, Trịnh Hoài Đức cũng có nhận xét tương tự trong Gia Định thành thông chí: “Gia Định đất tốt lại rộng. Thổ sản như: lúa gạo, cá mắm, cây gỗ, chim muông. Thổ nghi có giống lúa đạo, loại lúa đạo rất nhiều, đại khái có hai loại: lúa canh và lúa thuật, mà ở trong có xen thứ lúa dẻo; lúa canh là thứ lúa không dẻo, hạt gạo nhỏ, cơm mềm, mùi rất thơm, là thứ lúa có cái mang (ở hai đầu hạt lúa) thuật là thứ lúa dẻo, hạt tròn mà lớn. Lúa có tên riêng như lúa tàu, lúa móng tay, lúa móng chim, lúa mô cải, lúa càn đông, lúa cà nhe, lúa tráng nhất, lúa chàng co, danh hiệu khác nhau, và có sớm, muộn, dẻo và không dẻo khác nhau, nhưng thứ thơm ngon đệ nhất là giống lúa tàu, thứ nhì là giống lúa cà nhe.

Nọa (nếp) có nếp hương, nếp sáp, lại có thứ nếp đen, có tên nữa là nếp than, sắc tím, nước cốt đen, dùng nhuộm màu hồng khi ăn không cần giã, lấy chỏ xôi hấp cho chín, nhơn khi còn nóng rưới mỡ heo, lá hành và muối trắng, đánh trộn cho đều, thi vị rất ngọt và giòn.

Thục (bắp) có bắp vàng, (có tên là hồng mạch hay là ngọc thục) bắp trắng, bắp gián hồng và trắng, duy thứ bắp trắng trái dài và lớn, dày hạt, vị thơm dẻo, các nơi không sánh bằng.

Đậu có đậu nành, đậu đen, đậu xanh, đậu ván, đậu trắng, đậu đũa, đậu rựa, đậu nanh heo, đậu phụng nhãn (có tên là lạc hoa sanh hay thổ đậu), đậu hương đại. Trong các thứ đậu ấy chỉ có đậu phụng làm tương, ép dầu, trọn năm dùng không hết, xác đậu làm bánh, bán cho người ta bón ruộng…Ma (mè) có loại hắc ma (mè đen) chi ma (mè vàng) tỳ ma (thu đủ tía). Lại cũng có thứ hoàng lương (bông kê) và ý dĩ (bo bo).

Vu (khoai) (hay gọi là môn) có khoai ngọt, khoai sáp, khoai hồng, (tục danh khoai huyết, nước khoai dùng nhuộm đỏ) và khoai từ. Theo chỗ ao nước có khoai hổ, khoai trắng và khoai tía (cây lớn nhỏ mọc dính nhau như cây phụ tử) lại có củ thự dự (củ mài) củ sơn thự, củ nha thự, củ phiên thự (củ khoai lang, có 3 sắc: hồng, vàng, trắng thơm ngọt hơn các nơi), củ cát thự (củ sắn) (…).

Qua (dưa bí) có đông qua (bí đao) tây qua (dưa hấu), loại dưa này mùa đông chín khác hơn nơi khác, kim qua, hoàng qua (bí ngô) thử qua (dưa chuột), hồng qua (dưa hồng) ty qua (mướp), khổ qua (mướp đắng), duy có thứ hổ qua (dưa leo) dùng ăn sống, có hoa xanh trắng, khi dưa già thì vỏ vàng đỏ. Nhiều loại bầu, bí, cà, cải rất nhiều thứ không thể biên chép cho hết, nói tóm lại các thứ đậu, dưa, khoai, chỉ dùng để điểm tâm mà thôi, chưa từng phơi khô mài bột dành làm vật dụng trợ cơ. Bởi vì người Gia Định mỗi ngày ăn 3 bữa đều ăn cơm, mà cháo cũng ít ăn, huống chi là các thứ khác vì cớ lúa gạo dư nhiều, mà không năm nào bị mất mùa cả”2.

Chính do nguồn động, thực vật phong phú này đã đi vào cơ cấu bữa ăn của con người ở đây. Do đó có thể nói, văn hóa ẩm thực Đồng bằng sông Cửu Long, nhìn ở một phương diện nào đó là kết quả của con người ứng xử trước môi trường tự nhiên mà họ đang sống. Đó cũng chính là cách con người tận dụng và cải tạo môi trường tự nhiên để làm phong phú thêm cho cuộc sống của mình.

Có một hệ thống sông rằng chằng chịt, khí hậu ôn hòa, Đồng bằng sông Cửu Long là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của các loại thực vật. Cũng như các địa phương khác trong cả nước, cây lúa ở đây vẫn đóng vai trò là cây lương thực chủ yếu. Vì trước hết, cơm là thức ăn chính của người Việt Nam nói chung, người Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Gạo của vùng này cũng phong phú về số lượng và đa dạng về chủng loại. Ngoài cơm, còn có cháo, xôi. Cháo thì có nhiều loại: cháo trắng hột vịt muối, cháo cá, cháo gà, cháo vịt…; gạo nếp dùng để làm xôi. Xôi thì có: xôi vò, xôi vị, xôi lá cẩm, xôi sầu riêng, cơm nếp… Từ gạo, người ta còn có thể chế biến thành bún, mì, hủ tíu và có thể xay thành bột để làm các loại bánh, như: bánh ú, bánh tét, bánh ít, bánh tằm, bánh tráng, bánh xèo, bánh hỏi, bánh khọt… Ngoài gạo, vùng này còn có các loại ngũ cốc khác như: khoai, bắp, đậu, hạt… dùng để ăn vặt, ăn chơi hay dùng để nấu các loại chè, như: chè đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, đậu trắng, chè xôi nước, chè mè đen…

Ở ĐBSCL xưa đến nay, các loại rau trái, gia vị cũng nhiều vô kể. Chỉ riêng phần rau, củ, nếu liệt kê, chúng ta sẽ có một danh sách thật dài: nào là bạc hà, cà chua, khế, giá, hẹ, rau đắng, rau muống, rau dền, bồ ngót, mồng tơi, rau nhút, cải xanh, cải trắng, củ cải trắng, húng cây, húng quế, húng lủi, tía tô, ngò gai, ngò rí, củ cải đỏ, dưa leo, khổ qua, sà lách, trái su, khoai tây… Bên cạnh đó cũng có nhiều loại bông và đọt cây dùng ăn như rau: bông so đũa, bông điên điển, bông bí, đọt vong, đọt ổi, đọt xoài, đọt me, đọt điều, lá cách, nhãn lồng…

Gia vị dùng để nêm nếm món ăn thì nơi đây cũng không kém phần đa dạng. Nào là hành lá, hành củ, gừng, ớt, tỏi, tiêu, nghệ… Ngoài các loại trên còn có các loại nấm như: nấm rơm,nấm mèo, nấm mối, nấm tràm…

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất đa sinh thái, có nhiều sông rạch và rừng ngập mặn, nhiều đồng cỏ, đầm lầy và biển cả nên rất giàu thủy sản: cá, tôm, cua, rùa, rắn, ốc, hến, nghêu, sò, vọp, vẹm, lươn, cua… chỉ riêng từng loài cũng rất phong phú về chủng loại: nào là cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặc, cá thác lác, cá lăng, cá hú, cá lòng ròng, cá lòng tong, cá bống, cá chốt, cá bông lau, bống tượng, bống cát, mè vinh, rô biển, rô đồng, sặc rằn, sặc bướm, thác lác, cá thiểu, trèn bầu, cá trê, lươn, lịch…; Tôm thì có: tôm càng, tôm thẻ, tôm tích, tôm lóng, tôm châm, tôm chấu, tôm chì, tôm chục, tôm cỏ, tôm đá, tôm đất, tôm gọng, tôm hùm, tôm rồng, tôm sú, tép bạc, tép trấu…; Rắn thì có: rắn hổ, rắn hổ hành, hổ mang, hổ đất, hổ lửa, hổ mây, chằm oặp, mai gầm, rắn lục, rắn ri voi, rắn nước, rắn bông súng… Cua thì có: cua đồng, cua biển, rẹm, còng, ghẹ, ba khía… Ốc thì có: ốc bươu, ốc lác, ốc đắng, ốc gạo, ốc len, nghêu, sò, hến, vẹm, vọp… và các loại rùa như: rùa nắp, rùa vàng, rùa cổ rụt, cua đinh…

Từ các loài thủy sản này, người ta đã chế biến ra nhiều món ăn phong phú, phù hợp với khẩu vị của mình, cũng như ăn uống sao cho đảm bảo sức khỏe.

Người Đồng bằng sông Cửu Long thường ăn thịt của các loại: heo, bò, gà vịt… là chính. Kế đến là các loại thịt cóc, ếch, chim… Chỉ riêng chim thì vùng đất này nhiều vô kể. Phần lớn là các loài chim nước như: cồng cộc, sa sả, trã trẹt, cốc đen, cò trắng, cò bợ, cò dấu, cò ma, cò lửa, cò ráng, cò quắm, sếu, diệc, quốc, trích, dang sen, cúm núm, điên điển, chàng bè, chàng nghịch, óc cau, vỏ vẻ, bồng bồng, bồ nông, le le, vịt trời… và một số các loài chim khác: chìa voi, chào mào, quành quạch, nhồng, cưởng, sáo sậu, sáo đá, giạt sành, két, cu gáy, cu đất, két, ác là, mỏ nhác, sẻ…

Đơn cử một phiên chợ chim ở Cà Mau qua cái nhìn của nhà văn Đoàn Giỏi: “Chim đậu chen nhau trắng xóa trên những đầu cây mắm, cây chà là, cây vẹt rụng trụi gần hết lá. Cồng cộc đứng trong tổ vươn cánh như tượng những người vũ nữ bằng đồng đen đang vươn tay múa. Chim già đãy, đầu hói như những ông thầy tu mặc áo xám, trầm tư rụt cổ nhìn xuống chân. Nhiều con chim rất lạ, to như ngỗng đậu đến quằn nhánh cây”. Và: “Những con chàng bè đồ sộ như con ngỗng, mỏ to bằng cổ tay cứ gõ vào nhau lộp cộp, làm rung rung mảnh da mềm thòng xuống tận cổ như cái diều lụa mỡ gà. Những con giang sen cổ cẳng cao lêu nghêu, nặng hàng năm bảy cân thịt, bị khớp mỏ, tréo cánh đứng giữa đám sếu đen, sếu xám màu đỏ, đầu không ngớt nghiêng qua nghiêng lại ngó theo mấy con ó biển đang lượn vòng trên kênh. Cò thì không biết bao nhiêu mà kể. Cò ngà, cò trắng, cò xanh, cò ma… buộc từng xâu, chất nằm hàng đống… chỗ này mươi giỏ le đặt bên cạnh một đống lồng nhốt đầy chim trích. Những con trích lông xanh, mỏ đỏ như quả ớt ngắn cặp chân hồng như đôi đũa son, coi bộ tốt mã nhất. Con nào con nấy lộng lẫy như con gà tre, cứ ngước cổ kêu trích… trích.. ché, nghe đến nhức màng tai. Chỗ kia lổn ngổn hàng sọt chim cồng cộc lông đen như nhọ chảo, không ngớt cựa quậy, mổ vào nhau kêu léc chéc”3 .

Còn có các loại bò sát như: thằn lằn, rắn mối, kỳ nhông, kỳ đà, tắc kè, cá sấu… mà mỗi loại khi chế biến thành món ăn, hương vị của nó cũng được liệt vào hạng đặc sản.

Ngoài nguồn lương thực, thực phẩm có sẵn ở môi trường tự nhiên, cư dân Đồng bằng sông Cửu Long còn chủ động làm ra nhiều loại thực phẩm rất độc đáo, phù hợp với điều kiện môi sinh tại chỗ. Nhờ vậy, nguồn thực phẩm càng thêm dồi dào và ổn định, góp phần tạo nên sự phong phú và hình thành nét đặc trưng trong văn hóa ăn uống trên vùng đất này.

Nguồn:Báo điện tử Cần Thơ
———————-
(1) Dẫn theo Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh. Sđd . Tr.46-47.
(2) Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí. Nha Văn Hóa Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa xuất bản – 1972, tập thượng. Tr.28-30
(3) Đoàn Giỏi, Đất rừng phương Nam – NXB Văn học, Hà Nội – 2002. Tr.222.

Uống trà với cá khô

Bình Trà miệt vườn

Bình Trà miệt vườn

Còn một kiểu uống trà độc đáo nữa. Đó là kiểu uống trà với cá khô. Nhiều người nghe phải “giựt mình” vì khô làm sao uống trà cho được. Trà phải uống với bánh ngọt, kẹo đậu phộng hoặc tệ lắm phải với đường tán, đường thẻ chớ! Này nhé!

Nếu có về Tân An, vô trong ruộng miệt Đồng Tháp, bạn sẽ được mời uống trà với cá khô. Vừa đặt chân vô nhà, chủ kéo bạn ngồi xuống bộ ghế trường kỷ, bảo mấy sắp nhỏ nấu trà, đãi khách phương xa. Kèm theo bình tích trà tổ bố là dĩa khô cá bóng trứng ngào đường. Con cá bóng trứng nhỏ bằng đầu mút đũa, vàng óng và lóng lánh phơi cái bụng đầy trứng thấy mà thèm. Nhai con khô vừa mặn, vừa ngọt, vừa béo, giòn giòn… nuốt xong, ngụm một tách nước trà Kỳ Chưởng mới hiểu thế nào là uống trà với khô. Lúc đầu còn hơi ngán, làm vài con nữa bạn sẽ thấy ngon và bắt đầu “biết đã”, biết thích.
Ngồi trong căn nhà ngói ba căn, hai chái, nền đất nghe mát rượi giữa trưa Hè, bạn sẽ nghe gia chủ kể chuyện lai lịch cái kiểu uống trà “kỳ cục” của miệt này.

Hồi đó – gia chủ say sưa kể – nhà có tiền nhưng ở tận Đồng Tháp này đâu có quán xá, chợ búa gì đâu, nên uống trà thường cầm tay bằng đường tán. Gặp khi hết đường phải uống “khan khan”, đâm ra buồn nên kiếm “đồ cầm tay” cho vui. Sẵn nhà có khô lấy nhai bậy cho đỡ buồn, rồi thành quen thấy ngon và ghiền tới nay là vậy đó. Nay dầu bánh trái không thiếu, chợ búa sát nhà mà nhiều người còn có thói quen uống trà với khô tạp ngào đường.

Từ cái bình tích trà, cái vỏ dừa, đến cách uống nước trà bằng con khô… là những cái nét đẹp xưa của người dân miệt vườn.
Giữ gìn cái đẹp xưa không chỉ là “hoài cổ” mà là vì thiết tha với tổ tiên!

Trà dầu cao sang hay dân dã vẫn là thức uống dùng để cúng của người mình. Có những lễ cúng không cần rượu, nhưng hình như trà không thể thiếu.

Ngày Tết, ngày giỗ ngoài cúng cơm hai buổi sáng, chiều thì trà được dâng cúng vào buổi tối.

Từ khi trà có mặt như là thức uống của ta, thì trà không còn phân biệt sang hèn, làm tri kỷ từ vua chúa đến thứ dân .

Nguồn: Fleohau.com

Tung Lò Mò- Đặc Sản Chăm An Giang

Tung Lò Mò, lạp xưởng bò làng Chăm - Đặc Sản Chăm An Giang

Tung Lò Mò, lạp xưởng bò làng Chăm - Đặc Sản Chăm An Giang

“Tung lò mò” – Đặc sản người Chăm An GiangNgười Chăm ở An Giang sống tập trung tại các huyện An Phú, Tân Châu và Phú Tân. Là đồng bào theo đạo Hồi, người Chăm An Giang không ăn thịt heo, chỉ ăn thịt bò. Món ăn truyền thống và là bản sắc văn hóa độc đáo của họ là cà ri và cà púa.

Cà ri là món ăn ưa thích họ học theo người Ấn Độ, còn cà púa thì bắt chước người Thái Lan. Thịt cà ri xắt sao cũng được, cà púa ngoài việc cho gia vị mạnh và cay hơn cà ri, thêm đậu phộng. Sau khi làm cà púa, phần thịt vụn được người ta dùng làm “tung lò mò” (lạp xưởng bò), như một cách “tận dụng”.

Thịt bò vụn (có nhiều nơi, người ta làm bằng loại thịt bò ngon như: đùi, bắp hoặc thịt bò nạc lóc từ xương) sau khi loại bỏ hết gân và bầy nhầy, xắt nhuyễn, bằm chung với mỡ bò, trộn đều với tiêu, tỏi, bột ngọt, đường cùng một vài loại gia vị bí truyền, nhưng nhất thiết phải có cơm nguội. Ruột bò lộn bề trái, cạo, rửa nước muối, rửa sạch rồi lộn lại, phơi hơi se. Thịt trộn xong, để cho thấm, dồn vào ruột bò, thắt từng khúc dài khoảng 3 đốt tay, tròn cỡ ngón chân cái, phơi chừng 3 nắng là được. “Tung lò mò” càng để lâu (1 – 2 tháng) càng khô, càng ngon. Nhưng bí quyết để “tung lò mò” trở thành món ngon độc đáo hơn lạp xưởng còn nhờ cơm nguội lên men có vị chua.

Lạp xưởng bò làng Chăm nướng thơm lừng

Lạp xưởng bò làng Chăm nướng thơm lừng

Cũng giống như lạp xưởng, thưởng thức “tung lò mò” tuyệt nhất là nướng (kilete) hoặc chiên (chuh), nhưng phải còn nóng mới không có mùi tanh của mỡ bò. “Tung lò mò” nướng chín tới đâu, ăn tới đó. Ngồi cạnh bếp than hồng, nhìn từng khúc “tung lò mò” chín đỏ mỡ nhểu xèo xèo trong đám khói tỏa mùi thơm ngào ngạt, đã thấy thèm. Gắp cắn một miếng, vị ngọt bùi của thịt và mỡ bò, vị chua chua của cơm nguội lên men hòa cùng gia vị cay nồng xông vào khẩu cái, lại nghe vị ngọt giòn thơm của rau sống, cần ống, vị chua của khế, vị chát của chuối sống tan thấm trên mặt lưỡi. Nhưng tuyệt vời hơn nếu như ta cùng vài ba người bạn ngồi nhâm nhi “tung lò mò” với chút rượu trong một buổi chiều mưa lạnh thì…!

Nguồn: Đặc Sản Miền Tây

Khô Bò Châu Đốc

Khô Bò Châu Đốc

Khô Bò Châu Đốc

“Bò Châu Giang, kinh Vĩnh Tế”, câu ca ấy là lời giới thiệu ngắn gọn nhất về món đặc sản khô bò xứ Châu Đốc (An Giang) và công trình giao thông đường thuỷ nổi tiếng nơi đây: kênh Vĩnh Tế. Ai đã một lần đến Châu Đốc mới thấy đất này có nhiều món đặc sản, có thể kể: mắm thái trộn thịt ba rọi luộc; rắn hổ rút xương bóp gỏi ngó sen; thịt bò xào lá vang… Nhâm nhi chén rượu ngon với các món đặc sản ấy rồi tham dự lễ vía Bà Chúa Xứ Châu Đốc. Trên đường về, du khách không thể quên mua món khô bò làm quà cho bạn bè, người thân. Cũng vì thế, khô bò Châu Đốc theo chân khách thập phương đi khắp nơi, thậm chí “phiêu du” sang tận trời Tây.

Châu Đốc có nhiều đặc sản quý, nhưng có một đặc sản mà du khách tham quan hay dự lễ vía bà Chúa xứ Châu Đốc, trên đường về chắc chắn không thể thiếu cho bè bạn người thân. Đó là món khô bò, một đặc sản trứ danh của vùng quê này.

Đi vòng quanh chợ Châu Đốc, hầu hết các quầy bán thực phẩm, nhu yếu phẩm, các cửa hàng rượu, bia các nhà hàng cao cấp… đều có bán khô bò. Có 3 loại khô bò:

  • Loại màu vàng cứng và giòn.
  • Loại màu nâu sẫm cứng mà không giòn.
  • Loại màu nâu xốp, giòn và dẻo

Để làm ra miếng khô bò ngon đạt phẩm chất, người sản xuất phải chọn lọc nguyên liệu tốt. Khi chọn bò làm khô, thông thường không chọn bò bị ngộp hơi, chọn những con chắc thịt, sử dụng phần thịt đùi trong con bò, sau khi lóc còn khoảng 200-250 kg. Quy trình sản xuất khô bò thật đơn giản, chủ yếu là thủ công. Khâu quan trọng quyết định cho chất lượng sản phẩm là cách ướp, tẩm, sấy. Tuỳ theo công thức và bí quyết riêng của mỗi cơ sở, mỗi loại khô bò có đặc trưng riêng không thể nhầm lẫn.

Đây là loại lương khô rất hấp dẫn trong các bữa tiệc, liên hoan, mùi vị phong phú, đầy đủ đạm tố với các chất mặn, ngọt, béo, cay, thơm… dùng làm món khai vị trước khi nhập tiệc. Đặc sản khô bò Châu Đốc được tặng Huy chương tại Hội chợ Giảng Võ Hà Nội và nhiều năm liền được Ủy ban Khoa học Kỹ thuật An Giang công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, với quy trình sản xuất hiện đại, hợp vệ sinh.

Nguồn: Đặc Sản Miền Tây

Khô Cá Lóc Miền Tây

Giữa tháng 10 âm lịch, là thời điểm nhộn nhịp nhất của nghề làm khô ở Chợ Mới, Thoại Sơn -An Giang. Trước đây, chỉ có một vài hộ làm khô cá lóc bán lẻ ngay tại chợ, thì nay món đặc sản này có mặt ở khắp nơi, kể cả trong siêu thị. Nghề làm khô cá lóc bây giờ có gần chục cơ sở lớn, nhỏ giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương. Những cơ sở này được tập hợp lại thành tổ hợp tác để cùng xây dựng thương hiệu khô cá lóc An Giang. Gần tết là thời điểm nhộn nhịp nhất của làng nghề để cung cấp hàng phục vụ cho thị trường.

Khô cá lóc An Giang

Khô cá lóc An Giang

Cơ sở khô cá lóc Năm Quýt rất nổi tiếng ở vùng đất Thoại Sơn, nhưng từ lâu, sản phẩm làm ra chỉ được bày bán trong chợ và những mối quen. Bà Phạm Thị Mây chủ cơ sở khô cá lóc Năm Quýt, cho biết: “Vùng đất An Giang từ xưa đến nay con cá lóc rất nhiều, đặc biệt là trong mùa nước nổi. Những lúc dội chợ, cá tươi ăn không hết nên nông dân xẻ khô trữ lại. Từ đó, nghề làm khô cá lóc cũng ra đời. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mới phát triển lên cơ sở và sản phẩm làm ra nhiều hơn trước”. Sản phẩm khô cá lóc ở đây có hương vị đặc trưng rất riêng nhờ vào bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Bà Phạm Thị Mây cho biết thêm: “Để có miếng khô ngon, phải qua rất nhiều công đoạn như: làm sạch, loại bỏ xương, ướp gia vị và đem phơi nắng. Trong đó, ướp gia vị rất quan trọng để tạo ra hương vị riêng của từng cơ sở và đây cũng là bí quyết gia truyền…”. Hầu hết những sản phẩm khô cá lóc ở An Giang đều được làm thủ công và phơi dưới ánh nắng mặt trời.

Nguồn: Fleohau

Cơm trắng khô cá lóc

Cơm trắng khô cá lóc

Cơm trắng khô cá lóc

Đi làm về, bụng đói meo. Cơm vợ chưa nấu kịp. Sẵn có mấy con khô cá lóc còn trong tủ lạnh, tôi lấy một con ra nướng, sau đó đập cho nó mềm. Bới tô cơm nguội, để miếng khô vừa nướng vào tô, thế là ngồi ăn một lúc hết bay tô cơm một cách ngon lành.

Không tin mọi người dùng thử nhé…

15 món ăn Việt khiến du khách nước ngoài mê mẩn

“Tiếng lành đồn xa”, rất nhiều du khách nước ngoài không quản ngại khoảng cách địa lý xa xôi đã cất công đi đến dải đất hình chữ S để được thưởng thức món phở trứ danh, hay món bún đậu mắm tôm với hương vị khó quên…

1. Phở

Danh sách ẩm thực Việt Nam sẽ thiếu xót rất lớn nếu thiếu đi món phở. Phở xuất hiện ở mọi nơi, mọi ngóc ngách tại Việt Nam, từ vỉa hè cho đến nhà hàng sang trọng. Du khách nước ngoài không khỏi xuýt xoa khi được thưởng thức bát phở nghi ngút khói với nước dùng thơm ngọt được ninh kỹ với xương lợn hoặc bò.

2. Chả cá

Đến du lịch Hà Nội, không chỉ có du khách nước ngoài mà cả các khách thập phương cũng tìm đến các nhà hàng nổi tiếng để được thưởng thức món này. Thậm chí, con phố Hàng Sơn trước đây đã được đổi tên thành phố Chả Cá vì đặc sản của đất Hà Thành – Chả cá Lã Vọng. Các khúc cá được thái ra vừa ăn, tẩm ướp, nướng trước trên than, rồi sau đó người ăn sẽ rán lại trên chảo với thìa là, ăn cùng bún và mắm tôm.

3. Bánh xèo

Món bánh xèo hấp dẫn người ăn bởi lớp vỏ ngoài rán giòn, bên trong có thịt lợn, tôm và giá đậu. Bánh được cắt thành những miếng vừa ăn, sau đó tùy từng địa phương sẽ có cách ăn khác nhau, nơi thì cuộn trong bánh tráng, chỗ thì ăn cùng lá rau diếp chấm nước chấm.

4. Cao lầu

Đây là một món mỳ đặc trưng của đất Hội An gồm thịt heo rán, nước dùng và ăn cùng rau sống.

5. Phở cuốn

Vẫn là những miếng bánh phở, thịt bò, nhưng phở cuốn chế biến nhanh và dễ dàng hơn nhiều so với phở nước. Bánh phở để nguyên miếng cuốn với thịt bò đã xào với gia vị, rau xà lách, rau mùi và chấm với nước mắm chua cay.

6. Nem

Rất nhiều du khách nước ngoài cảm thấy thích thú khi được thưởng thức món nem ở Việt Nam. Trộn đều các nguyên liệu làm nhân: miến, thịt lợn xay, giá, trứng, nấm hương, mộc nhĩ sau đó dùng bánh tráng cuộn tròn và rán trên chảo mỡ. Nem ăn kèm với rau sống và nước chấm được pha từ nước mắm, giấm, đường.

7. Gỏi cuốn

Khi ngán các món rán, nướng, món ăn du khách tìm đến chính là gỏi cuốn. Món ăn này không những ngon mà còn rất có lợi cho sức khỏe. Lát thịt luộc, hoặc đồ biển, thêm rau mùi, xà lách, tất cả được cuốn tròn trong bánh tráng và chấm với nước chấm được pha khéo léo từ nước mắm, giấm, đường, ớt.

8. Bún bò Nam bộ

Món này đặc biệt ở chỗ không sử dụng nước dùng thông thường được ninh từ xương mà thay vào đó là nước chấm mắm, giấm, tỏi, ớt. Bát bún bò Nam bộ bao gồm các miếng thịt bò xào mềm ngấm gia vị, lạc rang, giá, các loại rau sống và hành khô. Người ăn chỉ cần trộn đều các thứ rồi thưởng thức.

9. Bánh khọt

Bánh khọt là loại bánh được làm từ bột gạo, có nhân tôm, rán vàng và ăn kèm với rau sống và nước chấm.

10. Gà tần

Ngoài hương vị thơm ngon, món gà tần còn có giá trị dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe. Miếng gà được ninh nhừ trong các loại thảo mộc và nêm nếm gia vị vừa miệng.

11. Bò lá lốt

Ẩm thực Việt Nam rất đa dạng với các món ăn được chế biến muôn hình vạn trạng tùy thuộc từng vùng miền. Bò lá lốt chính là một món ăn khá sáng tạo và ngon miệng. Có thể xay thịt lợn/thịt bò cho gia vị, hạt tiêu trộn đều rồi cuốn thịt trong lá lốt. Sau đó sẽ được nướng trên than và hương vị cay của lá lốt sẽ ngấm vào bên trong.

12. Bánh cuốn

Nhiều du khách rất thích thú được nhìn thấy cảnh làm bánh cuốn trong các cửa hàng. Từng lát bánh mỏng nóng hổi được cuốn thịt lợn băm rồi chấm với nước mắm tạo nên hương vị khó quên.

13. Bún đậu mắm tôm

Món này đơn giản chỉ là đậu phụ và bún được ăn với mắm tôm – loại mắm đặc biệt của Việt Nam. Chanh, đường, ớt, giấm sẽ được pha thêm vào mắm tôm để vừa miệng.

14. Bánh ướt thịt nướng

Món này đơn giản chỉ là đậu phụ và bún được ăn với mắm tôm – loại mắm đặc biệt của Việt Nam. Chanh, đường, ớt, giấm sẽ được pha thêm vào mắm tôm để vừa miệng.

14. Bánh ướt thịt nướng

Phở có thể là món ăn nổi tiếng nhất Việt Nam nhưng bún chả lại là sự lựa chọn hàng đầu khi đến giờ ăn trưa của người dân thủ đô. Những miếng chả thịt lợn được nướng trên than hoa vàng rộm thực sự thu hút các du khách. Thịt được ăn kèm với 1 bát nước mắm chua cay, rau sống và bún.

15. Khô cá lóc nướng đập

Khô Cá Lóc Thơm Ngon

Khô Cá Lóc Thơm Ngon

Khô cá lóc nướng trên bếp than đỏ, sau đó đạp cho mềm, để vào dĩa với mấy cộng rau thơm. Ngồi nhâm nhi với lý bia và xé khô để thưởng thức. Ôi ngon tuyệt!