ĐẶC SẢN KHÔ CÁ LÓC MIỀN TÂY

Cung cấp đặc sản Khô cá lóc Miền Tây

Monthly Archives: Tháng Ba 2012

Gỏi sầu đâu – Đặc sản Miền Tây

Gỏi sầu đâu là món ăn đặc biệt của người dân miền Tây Nam Bộ. Gỏi có đủ các vị đắng, ngọt, chua, cay, bùi béo…

Gỏi sầu đâu - Đặc sản miền Tây

Gỏi sầu đâu - Đặc sản miền Tây

Sầu đâu là loài cây thân gỗ, cao to. Ở miền Tây Nam Bộ tuy cùng họ nhưng không phải cây xoan ở miền Bắc, cây đu ở Thanh Hóa hay cây sầu đông ở Huế. Cây sầu đâu vỏ sần sùi chứ không trơn láng như vỏ thân cây sầu đông. Lá sầu đâu nhỏ, mỏng, mọc đối xứng qua cuống, rụng hết vào mùa Thu, đến cuối Đông, đầu Xuân thì đâm lộc, ra bông dâng đời. Người ta hái những chùm nụ sầu đâu và những đọt lá non làm gỏi. Lượng sầu đâu nhiều hay ít phụ thuộc vào “gu” của người ăn: Người ăn ghiền thì trộn nhiều Sầu đâu, khỏi cần sơ chế. Người mới ăn lần đầu thì nên nhúng qua vào nước cơm nóng cho bớt đắng. Gọi là đặc sản nhưng món gỏi sầu đâu lại khá bình dân, dễ làm, hợp với mọi túi tiền: Ít tiền làm nhiều rau, nhiều tiền, rau ít; Dân dã ít tiền “bắc mâm” ngồi nhậu trong vườn, với tay vặt nắm lá non chấm nước mắm cũng “đưa cay” được chút rượu đế. Nhà nghèo mà xa chợ, tới bữa chạy ra vườn vặt nắm lá non vào xắt nhỏ trộn với con khô nướng, thêm trái cà chua, dưa leo, xoài xanh với nước mắm, chút đường, bột ngọt, trái ớt, miếng me,… cũng có được vị đắng ngọt, chua, cay trôi cơm.

Tuy gọi là gỏi sầu đâu nhưng sầu đâu lại là món ít tiền nhất trong những nguyên liệu để làm gỏi. Một đĩa gỏi cho 4 người ăn đầu vụ cũng chỉ cần độ dăm ngàn đồng, chừng 4-5 lọn, khoảng ngoài 100 gam nụ hoa với đọt non xé nhỏ; một con cá lóc khoảng 300 gam còn sống đem nướng trui bằng rơm mới cho thơm rồi bỏ xương, xé nhỏ thịt vừa ăn; khoảng 200 gam thịt heo ba chỉ luộc vừa chín tới xắt sợi với chừng ấy tôm thẻ luộc lột vỏ, bỏ đầu hay tôm càng xanh nướng xé nhỏ càng ngon; khô cá sặc nướng bằng than đước cho thơm rồi cũng xé nhỏ như xé cá , xé tôm… Tất cả trộn đều với vài, bốn trái dưa leo, cà chua xắt mỏng, me chín, xoài xanh vằm sợi. Nêm nước mắm nhĩ, đường, bột ngọt vừa ăn xong mới trộn cho đều, để chừng 5 phút trộn lại, bày lên đĩa. Rải ít rau thơm, dăm lát ớt đỏ lên trên đĩa cho đẹp, cho ấm. Nước chấm dùng nước mắm ngon dằm me, ớt, bột ngọt và đường. Việc cuối cùng là rót rượu mời khách. Rượu nếp cao độ là tuyệt, không có mới phải dùng bia hay rượu ngoại. Lưu ý, chớ bỏ bộ lòng cá lóc. Hãy nướng qua bộ lòng trên bếp than hồng, để riêng ra dĩa nhỏ dành mời người lớn tuổi. Trẻ chớ ăn! Dễ “chảy máu cam!”

Gỏi sầu đâu - Đặc sản miền Tây

Gỏi sầu đâu - Đặc sản miền Tây

Nét độc đáo của món gỏi sầu đâu là vị đắng hậu ngọt cứ dai dẳng mãi trong miệng tới ngày hôm sau để lại thèm dù mới ăn hôm trước. Gỏi có đủ các vị đắng, ngọt, chua cay, bùi và béo nên ăn rất ngon miệng. Trước và trong khi ăn, khứu giác bạn lại đã được kích thích bởi mùi thơm của cá lóc nướng trui, khô cá sặc rằn nướng,… nên chưa ăn mà nước miếng đã ứa ra! Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian, sầu đâu còn là vị thuốc Nam có tác dụng giải độc gan, ăn vào rất mát.

Dịp Tết, nếu có về miền Tây, bạn hãy tìm ăn món đặc sản gỏi sầu đâu. Hy vọng, bạn sẽ không quên vị độc đáo của món ăn này.

Nguồn: Đặc Sản Miền Tây

Advertisement

Mắm thái Châu Đốc

“Mắm Châu Đốc, Dốc Nam Vang”: Câu tục ngữ trên nói lên đặc sản của vùng biên giới Việt – Miên – Châu Đốc (An Giang).

Mắm thái Châu Đốc là một món ăn truyền thống đã được thi sĩ Tản Đà tấm tắc khen ngợi trong dịp ghé làng Long Kiến thăm chủ bút Nguyễn Thành Út, con thầy cai tổng Hống, đã chiêu đãi thi nhân rất hậu hĩ món đặc sản truyền thống này. Tản Đà được ăn món mắm thái Châu Đốc khen ngon, sau làm hai câu thơ ca tụng những món ăn đặc biệt Việt Nam, có cà Nghệ An và mắm Châu Đốc. Tản Đà đã khen ngon, chắc chắn khó ai chê vào đâu được nữa.

Mắm thái Châu Đốc

Mắm thái Châu Đốc

Tôi còn nhớ hồi còn học ở trường Nam Tiểu học Bổ túc Châu Đốc, đâu vào khoảng năm 1952, có đội Túc cầu AJS ở Sài Gòn xuống đấu giao hữu tại vận động trường tỉnh Châu Đốc cùng đội tuyển của tỉnh. Sau khi đội AJS đấu thắng đội tuyển Châu Đốc, đội AJS đòi ban tổ chức cho thưởng thức món đặc sản truyền thống của quê hương Châu Đốc là món mắm thái, uống rượu Vĩnh Phong Long.

Còn nhà văn Đoàn Giỏi, gốc ở Tiền Giang, sau những tháng năm xa cách quê hương Nam bộ, lúc tập kết ở miền Bắc, nhớ tha thiết món mắm thái trứ danh đặc sản quê hương Nam bộ, đã ký thác qua tác phẩm Đất rừng phương Nam, nghe mà phát thèm. Ta thử nghe một đoạn ông rao hàng: “… Nam bộ, ai mà không biết ăn mắm. Từ những thị tứ đông đúc, đến các nơi hẻo lánh xa xôi, bất cứ chợ lớn chợ nhỏ nào cũng đều có bán mắm. Mà mắm trứ danh lừng lẫy từ xưa, nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh là mắm Châu Đốc – Long Xuyên đã thấy dậy lên trong tiềm thức, mùi thơm cực kỳ hấp dẫn của mắm. Nó khiến mồm mình ứa nước miếng ra, cảm thấy đói bụng, đồng thời cũng hiện ra theo bao nhiêu hình ảnh kỷ niệm khiến lòng mình rưng rưng xao xuyến, lởn vởn hiện ra chung quanh món ăn thuần phác đậm đà, mang đặc tính tiêu biểu của mùi vị quê hương Nam bộ này…”.

Cá làm mắm thái, thường là cá lóc hoặc cá bông tuyển chọn con lớn, mập, rồi đập đầu đánh vảy, cạo vi, kỳ rồi rửa sạch đem ngâm với muối trong khạp độ 15 ngày, rồi dùng gạo lứt rang cho thật vàng, xay nhuyễn làm thính. Thắng đường thốt nốt cho có chỉ, chao vô mắm. Độ mươi, mười lăm ngày cho thấm, mắm vừa ăn, vớt cá đem ra chặt đầu, lóc xương, lột da, lấy thịt cá thái nhỏ cỡ chiếc đũa, rồi ướp đường, bột ngọt, nước mắm biển xăm xắp, trộn đu đủ mỏ vịt xắt nhuyễn từng sợi, vắt bỏ mũ phơi một ngày cho đu đủ dẻo, xong cho mắm vào khạp, rải thính đều hết, ém vô, đậy thật khít khao, đừng cho hơi gió lọt vô. Mắm thái nhận vô khạp, vô hũ độ một tuần lễ là ăn được, đừng để lâu mắm sẽ bị chua hoặc bị “trở gió”.

Trước hết cần phải có rau sống, khế chua, chuối chát, gừng lát, lá gừng, ớt để nguyên trái, thịt ba rọi luộc chín xắt miếng hoặc dưa đầu heo. Thao tác tiếp theo là dùng bánh tráng cuốn, mắm, bún và các “vật tư” kể trên chấm với nước mắm Phú Quốc (làm với tỏi, ớt, chanh), tự động ai cuốn nấy ăn. Khi ăn cắn dậm thêm trái ớt, tép tỏi mới thấy “phê”!

Ngày nay mắm thái đã có mặt tại các nước châu Âu trong những bữa cơm gia đình của Việt kiều xa quê.

Chụp đìa – Nét đẹp miền Tây

“Mùa đìa” là gì? Nhiều bạn bè đã hỏi tôi như thế! Chẳng biết giải thích thế nào cho cặn kẻ… Ngỡ là một từ quen thuộc, vì với tôi sinh ra trên vùng đất của Bác Ba Phi và chụp đìa lại xuất phát từ đất này. Ngẫm lại, bạn bè có người biết, người không cũng là lẽ thường tình. Vì vậy tôi post bài này lên đây nhằm chia sẻ với bạn bè về một nghề có nét đặc thù ở quê tôi. Bài viết này là một kịch bản phim, nằm trong series phim của Chương trình Ký ức miền Tây mà chúng tôi đang thực hiện….

Chụp đìa nét đẹp miền Tây

Chụp đìa nét đẹp miền Tây

Bán đảo Cà Mau là một vùng đất nổi tiếng trù phú với chim trời, cá nước. Bởi lẽ, vùng đất đã sản sinh rất nhiều sản vật, đồng thời đây là vùng đất khai mở muộn màng nên điều kiện tự nhiên thích nghi đối với các loài tôm cá…

Hơn 300 năm trước, lưu dân tứ xứ đến vùng bán đảo Cà Mau lập nghiệp là những người rất nghèo khổ. Trong tay chỉ có tấm lưới, mấy ống trúm, lọp lờ hay vài ngọn cần câu. Vậy rồi, nguồn lợi tự nhiên ở đây hào phóng đã giúp họ gây dựng cơ nghiệp nên nhà nên cửa…

Trong ký ức của nhiều người hẳn còn nhớ những địa danh từng có một thời nổi tiếng cá đồng như U Minh, Tân Duyệt, Bàu Hang, Thanh Tùng…

Bây giờ đang bước vào mùa khô và chắc nhiều người không quên mùa đìa ở miệt Cà Mau…

Chụp đìa nét đẹp miền Tây

Chụp đìa nét đẹp miền Tây

Thuở xa xưa, nghề đìa cá hầu như làng xóm nào cũng có, gia đình nào cũng có. Vì thế mà nghề đìa cá hoạt động phong phú như một thứ văn hóa. Nó có cả những kinh nghiệm bí truyền bởi không phải đào đìa ở đâu cá cũng rút về vào mùa nắng hạn.

Đìa là một cái ao được người chủ đất chọn vị trí trong khu bao ngạn trên phần đất của mình. Độ sâu của đìa từ 2 đến 3 mét, ngang từ 5 đến 7 mét và dài tùy thuộc vào đất lớn hay nhỏ, có đìa dài hơn 50 mét.

Chụp đìa nét đẹp miền Tây

Chụp đìa nét đẹp miền Tây

Thu hoạch cá đìa có nhiều cách như: tát, kéo lưới, mò cá.v.v… nhưng chụp đìa được xem là cách bắt cá sáng tạo nhất. Theo vài tài liệu nghiên cứu gần đây, thì chụp đìa xuất hiện vào khoảng đầu thập niên 60 của thế kỷ trước và ra đời ngay tại vùng đất của Bác Ba Phi.

Chuyện kể rằng : Hồi trước quê Bác Ba Phi cũng tát đìa như các nơi khác. Cá nhiều, đìa lại lớn, công tát mất mấy ngày trời đìa mới cạn. Mấy năm đầu, Bác Ba phải đươn lưới vải đề lùa đám rùa sang một góc đìa trước khi nước tát gần cạn. Thấy vậy, ông Tư Thoại – hàng xóm của Bác Ba Phi nghĩ ra cách dùng lưới chụp đìa vừa đở tốn công tát vừa bắt được cá sạch trơn không dính một chút bùn.

Chụp đìa nét đẹp miền Tây

Chụp đìa nét đẹp miền Tây

Từ đó, bà con trong xóm không gọi Tư Thoại nữa mà gọi là Tư Lưới để nhớ về người tạo ra giàn lưới chụp đìa cho xứ sở này. Và, không bao lâu sau, miệt bán đảo Cà Mau đã dùng lưới chụp để thu hoạch cá đồng, không chỉ ở đìa mà còn chụp các kinh mương, kinh xáng ở giữa rừng U Minh…

Giàn lưới chụp đìa là một tấm lưới ni – lông, mắt lưới nhỏ và tấm lưới ấy luôn dài hơn và rộng hơn khẩu đìa.

Chụp đìa nét đẹp miền Tây

Chụp đìa nét đẹp miền Tây

Sau khi dọn sạch cỏ mặt nước trong đìa, người ta thả cuộn lưới ấy giữa lòng đìa và hai người ở dưới nước căn viền lưới ra hai bên thành đìa. Dùng ghim bằng một khúc cây sậy dài chừng 4 tấc, bẻ gập đôi lại và ghim viền lười vào thành đìa, ngập dưới mặt nước chừng 2 tấc và khoảng cách chừng 6 tất một cây ghim.

Sau khi ghim toàn bộ viền lưới vào thành đìa xong, tức là toàn bộ cá nằm dưới mặt lưới. Khi cá thấy ngộp và sẽ nem vào thành đìa, tìm chỗ hở để chui lên.

Đợi chừng hơn 1 giờ sau, cá chui hết lên mặt lưới phía trên, người ta bắt đầu ghim lưới lần thứ hai, dày hơn, không cho cá chui ngược trở xuống. Công đoạn tiếp theo là kéo hai viền lưới lên ghim lại trên bờ đìa, rồi mới kéo lưới gom cá về một đầu đìa để bắt

Chụp đìa nét đẹp miền Tây

Chụp đìa nét đẹp miền Tây

Chụp đìa như thế, tất cả cá bắt được đều rất khoẻ mạnh. Nước dưới đìa còn nguyên vẹn và người ta dễ dàng thả cá nhỏ trở lại làm giống cho mùa sau.

Ngày trước khi cá còn rất nhiều, có những khẩu đìa thu hoạch hơn cả chục tấn cá, nên khi kéo lưới đến hơn nửa chiều dài của đìa là phải xúc cá. Vì vậy người ta neo lưới lại để cho nhân công làm cá trong vài ngày; chứ tát đìa thì không thể làm được điều này.

Hồi ấy, thương lái mua cá đồng không nhiều trong khi lượng cá ở xứ này lại quá lớn, nên cá phải làm khô, làm mắn để bán từ từ… Lúc đó xóm làng như mở hội, người ta vạn vần đổi công để bắt cá làm mắm, làm khô.

Chụp đìa nét đẹp miền Tây

Chụp đìa nét đẹp miền Tây

Ở Bán đảo Cà Mau nổi tiếng hơn cả là khô cá bổi (có nơi gọi là cá sặc rằn). Loài cá này chỉ có làm khô là ngon nhất, so với cách chế biến khác. Vã lại, cá bổi chiếm hơn một nửa trong tổng sản lượng cá chụp được trong một khẩu đìa nên chỉ còn cách làm khô.

Cá bổi chỉ cần đánh vãy, vạc xéo hai mang cá, móc ruột, đem rữa sạch, muối vào khạp qua đêm và sáng hôm sau rữa lại, rồi đem phơi. Chỉ khoảng hai ngày nắng tốt là cá đã khô.

Người Cà Mau có một cách bảo quản cá khô bổi rất độc đáo là đem khô trải đều trên bồ lúa, sau đó đổ lúa lên khỏa bằng. Hai tháng sau đem khô ra nướng nhậu với rượu đế là tuyệt vời. Thứ khô này chỉ có khách quý mới mang ra đãi.

Chụp đìa nét đẹp miền Tây

Chụp đìa nét đẹp miền Tây

Chính nguồn lợi cá đồng đã thổi hồn cuộc sống phong phú lên đồng ruộng hoang vu. Những người cơ nhỡ, tha phương cầu thực đến đây khẩn hoang bắt gặp được một vùng đất có rất nhiều sản vật, cộng với sự sáng tạo của mình đã làm nên một cuộc đổi đời, một nếp sống, nếp sinh hoạt đặc biệt của làng quê.

Bây giờ, đồng đất nơi đâu cũng làm lúa tăng vụ, con cá đồng không thể sống trong môi trường quá nhiều hoá chất. Nghề đìa cá ở miệt bán đảo Cà Mau cũng đã và đang lụi tàn dần.

Quả thật, bây giờ chụp đìa còn rất ít và không bao lâu nữa sẽ chỉ còn là chuyện kể mà thôi. Đối với những ai từng biết về vùng bán đảo Cà Mau, biết về sự giàu có sản vật đến nức tiếng cả nước của đất đai này, hy vọng sẽ gợi lại một chút hoài niệm, một chút nhớ thương, một chút tự hào về xứ sở ngay từ trong ký ức của mình…

Nguồn: Đặc Sản Miền Tây

Chào mừng các bạn đã xem bài viết này. Nếu bạn cảm thấy bài viết này mang lại các thông tin bổ ích, hãy giúp chúng tôi bằng việc click vào các nút bên dưới để chia sẻ trang này đến các bạn bè gần xa. Cảm ơn các bạn

Khô cá lóc sốt me

Khô cá ngâm 30 phút để nỡ và rửa sạch – đem chiên giòn ở lửa lớn.

Khô cá lóc sốt me

Khô cá lóc sốt me

Trong 1 nồi nhỏ cho dầu + đường + nước mắm + nước vắt me + tiêu + ớt khô + tí síu bột bắp, để lửa sôi nêm nếm vừa chua chua mặn ngọt rồi cho cá chiên vào đảo đổ ra dĩa.
Ăn với cơm nóng, cơm nguội, ăn bốc với dưa leo ………..ăn quên đường về!!!
Chúc các bạn ngon miệng!

Khô Cá Lóc Chua Ngọt

Món khô cá này vừa ngon lại vừa lạ miệng, có thể làm trước dự trữ cho những ngày bận rộn.

Nguyên liệu:

  • 300g khô cá  lóc
  • Dầu ăn
  • Đường, nước mắm, giấm
  • Tỏi, ớt.
Cách làm:
  • Khô chặt khúc, rửa sạch, luộc sơ, vớt ra để ráo.
  • Giã 1 củ tỏi, 1 trái  ớt hiểm, thêm 2 muỗng canh đường, 1 muỗng canh nước, 1 muỗng canh nước mắm, ½ muỗng giấm gạo. (1)
  • Cho 2 muỗng canh dầu ăn vào chảo, chiên khô cho hơi vàng, vớt ra để ráo (2)
    Bắt chảo lên bếp, cho khô  và hỗn hợp giấm đường nước mắm vào đảo đều cho thấm gia vị (3) , vớt ra (4).

Khô ăn với cơm nóng hay nguội  đều ngon. Bạn có thể thay khô  cá lóc bằng khô cá đù cũng rất ngon.

Fleohau cung cấp đặc sản khô cá lóc Miền Tây

Quảng Nam: Cá lóc nặng 10kg

Hàng trăm khách tham quan khu triển lãm kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh Quảng Nam đã rất ngỡ ngàng trước con cá lóc nặng gần 10kg mà ông Huỳnh Ngọc Sơn (Tam Thành, Phú Ninh) trưng bày ở đây.

Cá lóc nặng 10kg

Cá lóc nặng 10kg

Theo ông Sơn, con cá này ông bắt được và nuôi đã nhiều năm qua. Ngoài ra, vào sáng 6/2, anh Phan Xuân Minh (thôn Uất Lũy, xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) cũng bắt được con cá lóc nặng 5kg tại sông Cừ (thuộc xã Điện Nam Đông, huyện Điện Bàn). Sự việc đã thu hút hàng trăm lượt người hiếu kỳ đến nhà ông để xem cá.

Gỏi sầu đâu – Món ăn vị thuốc

Từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch là sầu đâu thay lá đơm bông, người ta thường hái cả đọt và hoa để dùng như một loài thảo dã quý.

Gỏi sầu đâu mùa nước nổi

Gỏi sầu đâu mùa nước nổi

Cây sầu đâu còn gọi là cây xoan ăn gỏi, một loài cây mọc hoang, nhiều nhất ở Châu Đốc và vùng Bảy Núi–An Giang. Lá sầu đâu nhỏ, dài và mỏng. Lúc còn non, đọt có màu tim tím.

Lá sầu đâu được chế biến thành nhiều món ăn, phổ biến nhất là sầu đâu chấm cá kho, thịt kho hoặc ăn kèm với mắm thái, mắm chưng, từng được coi là món ngon hiếm có trên đời.

Chính vị mặn nồng của mắm hòa hợp với vị đăng đắng, hậu ngọt của lá sầu đâu sẽ làm cho vị giác lâng lâng khó tả, càng ăn càng cảm thấy khoái khẩu.

Món này mà nhâm nhi với chai rượu nếp thì không thua gì cao lương mỹ vị

Nhưng thực đơn nổi tiếng nhất ở An Giang xưa nay vẫn là món gỏi sầu đâu. Từ gỏi tôm, gỏi thịt, gỏi cá cho đến gỏi khô, thứ nào cũng tuyệt hảo. Thầy giáo Nguyễn Thanh Vân, quê ở Tịnh Biên, một tay am tường về món gỏi sầu đâu cho biết: gỏi sầu đâu ai mới ăn lần đầu đều cảm thấy rất đắng, nhưng ăn vài lần phát ghiền, nhất là trộn chung với khô cá lóc hoặc cá sặt rằn. Anh nói muốn làm món này, trước hết phải chọn cho được những đọt non kèm với bông. Khô cá lóc sau khi nướng chín, xé ra từng miếng nhỏ rồi trộn chung với đọt sầu đâu.

Bí quyết của món gỏi này là phải trộn với nước me chua (dùng me chín ngâm trong nước ấm cho tan), thêm chút đường, ớt cho thấm độ 10 phút.

Nước chấm cũng là thứ nước mắm me đậm đặc, cay, chua nhưng vừa ăn, không mặn, nhằm

Lá sầu đâu

Lá sầu đâu

làm tăng thêm hương vị đậm đà. Nếu dùng nước chanh hoặc nước giấm sẽ hỏng ngay, chẳng khác nào một bản đàn lạc điệu. Ai thích cầu kỳ và sang trọng hơn có thể trộn với tôm sú và thịt ba rọi xắt mỏng, kèm thêm dưa leo hoặc xoài chua bằm nhỏ sẽ hết chỗ chê. Món này mà có thêm chai rượu nếp nhất định buổi tiệc sẽ hào hứng không thua gì khi đang dùng cao lương mỹ vị.

Thưởng thức gỏi sầu đâu, ta nên nhai chầm chậm để cảm nhận cái vị đắng dìu dịu của sầu đâu và vị mặn, ngọt, dai dai của cá. Cả hai thứ này càng làm cho khẩu vị thăng hoa nhờ mùi đặc trưng, lạ miệng, hoàn toàn không giống với bất cứ loại gỏi nào. Có người bảo rằng khách từ phương xa đến An Giang mà chưa nếm món bò xào lá giang, món gà hấp lá trúc và món gỏi sầu đâu, khi quay về sẽ tiếc đứt ruột.

Sầu đâu không những là đặc sản của An Giang mà còn là món ăn vị thuốc. Nhiều tài liệu về y dược cho biết trong vỏ, lá, quả và gỗ của cây sầu đâu đều có chất khổ vị tố (chất đắng) có tác dụng chữa giun rất tốt. Theo dược sĩ Lê Kim Phụng (Đại học Y Dược TP. Hồ chí Minh) thì cây sầu đâu từ lâu đã được người Ấn Độ dùng làm thuốc chống viêm, kháng khuẩn, chữa sốt rét…Riêng nước  sầu đâu dùng uống để chữa viêm nha chu, viêm nướu, sâu răng, viêm khớp…

Còn theo kinh nghiệm dân gian thì đọt sầu đâu có thể làm cho mát gan, chống giun và trị nhức mỏi.

Nguồn: Báo Thanh Niên

Quảng Cáo

Cách làm gỏi khô cá lóc

Cách làm gỏi khô cá lóc

Cung cấp Khô Cá Lóc tận nơi

Cung cấp Khô Cá Lóc tận nơi

Giới thiệu Ẩm thực Việt Nam

Ẩm thực Việt Nam là cách gọi của phương thức chế biến món ăn, nguyên lý pha trộn gia vị và những thói quen ăn uống nói chung của mọi người Việt trên đất nước Việt Nam. Tuy hầu như có ít nhiều có sự khác biệt, ẩm thực Việt Nam vẫn bao hàm ý nghĩa khái quát nhất để chỉ tất cả những món ăn phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nhưng đã tương đối phổ thông trong cộng đồng người Việt.

Gỏi Dưa Leo Khô Cá Lóc

Gỏi Dưa Leo Khô Cá Lóc

Đặc điểm theo vùng miền, dân tộc

Tuy có những nét chung nói trên, ẩm thực Việt Nam có đặc điểm khác nhau theo từng vùng, mặc dù trong từng vùng này ẩm thực của các tiểu vùng cũng thể hiện nét đặc trưng:

Ẩm thực miền Bắc

Ẩm thực miền Bắc thường không đậm các vị cay, béo, ngọt bằng các vùng khác, chủ yếu sử dụng nước mắm loãng, mắm tôm. Sử dụng nhiều món rau và các loại thủy sản nước ngọt dễ kiếm như tôm, cua, cá, trai, hến v.v. và nhìn chung, do truyền thống xa xưa có nền nông nghiệp nghèo nàn, ẩm thực miền Bắc trước kia ít thịnh hành các món ăn với nguyên liệu chính là thịt, cá. Nhiều người đánh giá cao Ẩm thực Hà Nội một thời, cho rằng nó đại diện tiêu biểu nhất của tinh hoa ẩm thực miền Bắc Việt Nam với những món phở, bún thang, bún chả, các món quà như cốm Vòng, bánh cuốn Thanh Trì v.v. và gia vị đặc sắc như tinh dầu cà cuống, rau húng Láng.

Ẩm thực miền Nam

Ẩm thực miền Nam, là nơi chịu ảnh hưởng nhiều của ẩm thực Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, có đặc điểm là thường gia thêm đường và hay sử dụng sữa dừa (nước cốt và nước dão của dừa). Nền ẩm thực này cũng sản sinh ra vô số loại mắm khô (như mắm cá sặc, mắm bò hóc, mắm ba khía v.v.). Ẩm thực miền Nam cũng dùng nhiều đồ hải sản nước mặn và nước lợ hơn miền Bắc (các loại cá, tôm, cua, ốc biển), và rất đặc biệt với những món ăn dân dã, đặc thù của một thời đi mở cõi, hiện nay nhiều khi đã trở thành đặc sản: chuột đồng khìa nước dừa, dơi quạ hấp chao, rắn hổ đất nấu cháo đậu xanh, đuông dừa, đuông đất hoặc đuông chà là, vọp chong, cá lóc nướng trui v.v.

Ẩm thực miền Trung

Đồ ăn miền Trung với tất cả tính chất đặc sắc của nó thể hiện qua hương vị riêng biệt, nhiều món ăn cay và mặn hơn đồ ăn miền Bắc và miền Nam, màu sắc được phối trộn phong phú, rực rỡ, thiên về màu đỏ và nâu sậm. Các tỉnh thành miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Bình Định rất nổi tiếng với mắm tôm chua và các loại mắm ruốc. Đặc biệt, ẩm thực Huế do ảnh hưởng từ phong cách ẩm thực hoàng gia, cho nên rất cầu kỳ trong chế biến và trình bày. Một mặt khác, do địa phương không có nhiều sản vật mà ẩm thực hoàng gia lại đòi hỏi số lượng lớn món, nên mỗi loại nguyên liệu đều được chế biến rất đa dạng với trong nhiều món khác nhau.

Ẩm thực các dân tộc thiểu số Việt Nam

Với 54 dân tộc sống trên nhiều vùng địa lý đa dạng khắp toàn quốc, ẩm thực của mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều có bản sắc riêng biệt. Rất nhiều món trong số đó ít được biết đến tại các dân tộc khác, như các món thịt lợn sống trộn phèo non của các dân tộc Tây Nguyên. Tuy nhiên, nhiều món ăn đã trở thành đặc sản trên đất nước Việt Nam và được nhiều người biết đến, như mắm bò hóc miền Nam, bánh cuốn trứng (Cao Bằng, Lạng Sơn), bánh coóng phù (dân tộc Tày), lợn sữa và vịt quay móc mật, khau nhục Lạng Sơn, phở chua, cháo nhộng ong, phở cốn sủi, thắng cố, các món xôi nếp nương của người Thái, thịt chua Thanh Sơn Phú Thọ v.v.

Ẩm thực Việt Nam trên thế giới

Theo bước chân của người Việt đến khắp thế giới, ẩm thực Việt với tất cả những nét đặc sắc của nó dần được biết tới nhiều ở các nước khác như Hàn Quốc, Lào, Trung Quốc và các nước châu Âu có cộng đồng người Việt ngụ cư. Có thể dễ dàng tìm thấy các tiệm ăn Việt Nam ở Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Úc, Cộng hoà Séc, Đức, Ba Lan và Nga. Các món ăn thuần Việt như phở, nem rán và các loại hương liệu đặc biệt như mắm tôm, rau húng rất phổ biến ở những vùng có đông người châu Á, trong đó có người Việt, sinh sống. Tuy nhiên ẩm thực Việt Nam tại các nước trên thế giới đã ít nhiều lai tạp với ẩm thực bản địa, hoặc đã gia giảm, thay đổi để phù hợp hơn với khẩu vị của cộng đồng dân cư khắp thế giới.